Mô hình 5 Forces Là Gì? 05 Lực Lượng Cạnh Tranh Cốt Lõi

Mô hình 5 Forces là gì

Mô hình 5 Forces ra đời và ứng dụng trong kinh doanh để giúp các doanh nghiệp có góc nhìn toàn cảnh về các yếu tố cạnh tranh trên thị trường. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể đưa ra những chiến lược kinh doanh nhằm đối phó với những thách thức và giữ vững vị thế của mình trên thương trường.

BÀi viết dưới đây Digital Marketing Agency DMA sẽ cùng bạn tìm hiểu Mô hình 5 Forces là gì? Được ứng dụng như thế nào và ưu điểm vượt trội của nó. Hãy bắt đầu thôi nào!

Mô hình 5 Forces là gì?

Mô hình 5 Forces dù được biết đến cách nay hơn 40 năm, nhưng nó vẫn đang là một trong những mô hình được sử dụng phổ biến trong kinh doanh.

Mô hình 5 Forces hay 5 Forces Porter là một mô hình để xác định và phân tích 5 yếu tố cạnh tranh của một doanh nghiệp.

Dựa trên số liệu phân tích 5 Forces, các doanh nghiệp sẽ xác định được khả năng cạnh tranh của mình trong ngành và hoạch định chiến lược kinh doanh phù hợp nhất.

Cha để của mô hình này là giáo sư kinh tế Michael Porter của Đại học Harvard vào năm 1979. Ông là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu chiến lược cạnh tranh và từng cố vấn cho nhiều nguyên thủ quốc gia như Mỹ, Anh, Singapore,… Vị giáo sư lỗi lạc được xếp vào danh sách “50 bộ óc quản trị có ảnh hưởng nhất thế giới” cùng tượng đài Philip Kotler – “cha đẻ” của marketing hiện đại.

5 áp lực cạnh tranh (5 Forces)

Michael Porter đã xác định 5 áp lực luôn luôn có trong mỗi thị trường và ngành công nghiệp trên thế giới lag:

  • Mối đe dọa từ các đối thủ mới
  • Quyền lực của nhà cung cấp
  • Mối đe dọa từ những sản phẩm, dịch vụ thay thế
  • Quyền lực của khách hàng
  • Tính cạnh tranh khốc liệt của các đối thủ trong cùng ngành.

05 yếu tố này có mối quan hệ biện chứng lẫn nhau, thể hiện sự cạnh tranh khốc liệt của các đối thủ trong ngành.

Dưới đây, chúng ta sẽ cùng nhau xem xét chi tiết 5 forces:

Quyền lực của nhà cung cấp (Power of Suppliers)

Yếu tố này hàm ý về vị thế của các nhà cung cấp trong ngành. Họ là những người có thể tác động trực tiếp đến giá cả, chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng và các yếu tố liên quan khác. Những nhà cung cấp có thể thay đổi mức giá, các điều kiện giao hàng và làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của doanh nghiệp. Từ đó, họ sẽ tác động gián tiếp đến khả năng cạnh tranh và doanh số của các doanh nghiệp trong ngành.

Ví dụ như khi nhà cung cấp tăng giá nguyên vật liệu đầu vào, làm chi phí giá vốn tăng buộc doanh nghiệp phải tăng giá sản phẩm đầu ra. Khi giá cả tăng cao, khách hàng sẽ cân nhắc đến việc mua hàng ở một nơi khác với giá thấp hơn nhưng chất lượng tương đương.

Quyền lực của khách hàng (Power of Buyers)

Người tiêu dùng hay khách hàng là đối tượng mà doanh nghiệp luôn phải đáp ứng nhu cầu của họ. Khách hàng là thượng đế.

Khách hàng là người đặt ra những yêu cầu về chất lượng sản phẩm, dịch vụ, giá cả và những tiêu chuẩn khác. Trong thị trường số lượng người mua ít hơn so với người bán thì quyền lực của khách hàng càng lớn. Giả sử như chỉ có 1 khách hàng duy nhất trên thị trường nhưng có quá nhiều bên bán, thì khách hàng có quyền lực tuyệt đối.

Khi thị hiếu của khách hàng thay đổi, các doanh nghiệp buộc phải thích nghi nhanh chóng và tạo ra sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của họ. Chẳng hạn như những năm gần đây nhiều người dùng ưa chuộng các sản phẩm thân thiện với môi trường, các chuỗi cửa hàng F&B cũng bắt đầu đổi sang dùng ống hút sinh học hay ly giấy bảo vệ môi trường.

Khách hàng là đối tượng mà doanh nghiệp cần phải đáp ứng nhu cầu của họ
Khách hàng là đối tượng mà doanh nghiệp cần phải đáp ứng nhu cầu của họ

Tính cạnh tranh khốc liệt của các đối thủ trong cùng ngành (Industry Rivalry)

Sự cạnh tranh khốc liệt giữa các đối thủ trong cùng một ngành là một áp lực đối với doanh nghiệp. Sức mạnh cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cùng ngành có thể được đo lường bởi nhiều yếu tố như số lượng đối thủ, khả năng ứng dụng công nghệ, quy mô sản xuất, tiềm lực tài chính…

Các đối thủ có chỉ số cạnh tranh cao có thể ảnh hưởng và chi phối các doanh nghiệp trong ngành.

Tuy nhiên, khi một ngành có quá nhiều doanh nghiệp cung cấp cùng 1 sản phẩm, dịch vụ giống nhau thì sức hấp dẫn của ngành đó sẽ giảm đi.

Mối đe dọa từ các đối thủ mới

Yếu tố này xem xét đến khả năng có các công ty mới hoặc các đối thủ tiềm năng gia nhập ngành. Ngành càng hấp dẫn sẽ càng thu hút nhiều đối thủ mới hơn. Nếu đối thủ cạnh tranh mới có quy mô lớn, nguồn lực tài chính dồi dào, chi phí sản xuất thấp, họ có thể tạo ra sức ép cạnh tranh lớn và giảm lợi nhuận của các công ty hiện tại trong ngành.

Tuy nhiên, một số ngành sẽ bị rào cản gia nhập lớn như ngành buộc họ phải có bằng sáng chế hoặc quyền sở hữu trí tuệ… Một ngành công nghiệp có các rào cản gia nhập khó khăn sẽ là lợi thế cho các công ty hiện tại trong ngành đó. Còn nếu đối thủ cạnh tranh mới mà dễ dàng tiếp cận thị trường thì vị thế của các công ty hiện tại có thể bị suy yếu đáng kể.

Ngành càng hấp dẫn sẽ càng thu hút nhiều đối thủ mới
Ngành càng hấp dẫn sẽ càng thu hút nhiều đối thủ mới

Mối đe dọa từ những sản phẩm, dịch vụ thay thế

Những sản phẩm hoặc dịch vụ thay thế sẽ ảnh hưởng đến sự tồn tại của các doanh nghiệp trong ngành. Chẳng hạn như trào lưu sử dụng ống hút sinh học, ống hút giấy… thay vì ống hút nhựa sẽ khiến các doanh nghiệp sản xuất ống hút nhựa giảm doanh số. Hay các nền tảng phát sóng online như Netflix có thể khiến các cửa hàng băng đĩa truyền thống không còn được ưa chuộng nữa.

Ví dụ điển hình về mô hình 5 Forces

Để bạn có cái nhìn kỹ hơn về mô hình 5 Forces, sau đây chúng ta sẽ cùng phân tích mô hình 5 lực lượng cạnh tranh với thương hiệu là Pepsi.

  • Cạnh tranh với đối thủ cùng ngành

Chúng ta đều biết hai ông lớn Pepsi và CocaCola là kình địch trong nhiều năm liền. Tuy rằng trong cùng 1 ngành cũng khá nhiều thương hiệu nội địa khác ngoài CocaCola mà Pepsi phải dè chừng. Tuy nhiên, đối thủ lớn nhất của Pepsi suốt nhiều năm qua vẫn là CocaCola.

  • Mối đe dọa từ đối thủ mới

Ngành công nghiệp thức uống giải khát có một số “rào cản gia nhập” như đòi hỏi chi phí sản xuất và marketing khá cao. Ngoài ra, các doanh nghiệp mới muốn gia nhập sẽ phải mất nhiều thời gian để xây dựng thương hiệu và khách hàng trung thành.

  • Quyền lực của nhà cung cấp

Quyền lực của nhà cung cấp trong trường hợp này là rất yếu. Bởi Pepsi có thể dễ dàng thay đổi từ nhà cung cấp này sang nhà cung cấp khác, nhưng không có nhà cung cấp nào lại từ chối hợp tác với Pepsi.

  • Quyền lực của khách hàng

Sức mạnh của khách hàng trong trường hợp Pepsi là thấp. Số lượng khách hàng của nhãn hàng là rất lớn và trải rộng trên toàn cầu chứ không tập trung ở một thị trường hay khu vực cụ thể nào.

  • Mối đe dọa từ sản phẩm thay thế

Sản phẩm thay thế chính của sản phẩm từ Pepsi là đồ uống được sản xuất bởi CocaCola. Số lượng sản phẩm thay thế lớn và có chất lượng tương đương khiến mối đe dọa về sản phẩm thay thế của Pepsi rất cao.

Coca Cola và Pepsi là kình địch trong nhiều năm liền
Coca Cola và Pepsi là kình địch trong nhiều năm liền

Tầm quan trọng của mô hình 5 Forces là gì?

Mỗi mô hình đều có những điểm vượt trội và hạn chế riêng, vậy những ưu điểm vượt trội cũng như hạn chế của mô hình 5 Forces là gì?

Ưu điểm của mô hình Porter 5 Forces

  • Phân tích ngành hiệu quả

Mỗi lĩnh vực kinh doanh gồm nhiều yếu tố cạnh tranh riêng biệt. Tuy nhiên mô hình của Porter đã bao quát được hầu hết áp lực cạnh tranh chính và cung cấp một phương pháp phân tích toàn diện ngành. Với phân tích 5 áp lực cạnh tranh, các doanh nghiệp có cái nhìn tổng thể về môi trường cạnh tranh ngành và dựa trên đó để lập chiến lược kinh doanh hiệu quả hơn.

  • Đánh giá khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp

Biết người biết ta trăm trận trăm thắng” – Không chỉ cần phải hiểu biết về thị trường, về đối thủ mà doanh nghiệp cũng cần phải hiểu được khả năng của chính mình. Từ đó, doanh nghiệp có thể đưa ra nhận định về vị thế cạnh tranh của mình và chủ động đưa ra những chiến lược kinh doanh phù hợp trước đối thủ.

  • Tính ứng dụng cao

Mô hình 5 Forces có khả năng ứng dụng trong mọi ngành hoặc lĩnh vực lẫn khả năng thích ứng với thời đại. Dù đã hơn 40 năm trôi qua kể từ ngày ra mắt nhưng mô hình này vẫn được các nhà quản trị doanh nghiệp sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành nghề khác nhau.

  • Quản lý rủi ro

Phân tích theo mô hình 5 Forces giúp doanh nghiệp nhìn thấy những nguy cơ tiềm tàng và đưa ra những phương án dự phòng để không bị đào thải khỏi thị trường. Chẳng hạn như Apple phải mua chip từ Intel để sản xuất iPhone. Intel có thể dựa vào điều này để “nắm thóp” tăng giá bán hoặc thay đổi điều khoản hợp đồng. Vậy Apple nên làm gì?

Lúc này, để dự phòng rủi ro Apple có thể tìm một công ty linh kiện hoặc tìm kiếm nhà cung cấp khác để đảm bảo nguồn cung chip. Ngoài ra, Apple cũng có thể cân nhắc tự sản xuất linh kiện tuy nhiên phương án này đòi hỏi vốn lớn và công nghệ chip phức tạp.

  • Xác định thị trường tiềm năng

Có thể sử dụng mô hình 5 Forces để xem xét có nên gia nhập một thị trường hoặc một ngành nào đó hay không. Nếu như thị trường không có quá nhiều đối thủ và doanh nghiệp có khả năng đáp ứng những tiêu chí đầu vào để gia nhập ngành thì họ sẽ quyết định tham gia.

Ưu điểm của mô hình Porter 5 Forces
Ưu điểm của mô hình Porter 5 Forces

Hạn chế của mô hình 5 Forces là gì?

Mặc dù được sử dụng rộng rãi nhưng mô hình này vẫn có những điểm hạn chế nhất định và không thể ứng dụng được trong một số trường hợp cụ thể.

  • Chỉ tập trung vào yếu tố cạnh tranh

Mô hình chỉ tập trung vào môi trường cạnh tranh chứ chưa cân nhắc đến những yếu tố khác như: tình hình chính trị, xã hội hay pháp lý như mô hình PESTEL, SWOT …. Do đó, mô hình này có thể bỏ sót những yếu tố cũng không kém phần quan trọng khác đang ảnh hưởng đến sự cạnh tranh trong ngành.

  • Không có khả năng dự đoán

Mô hình 5 Forces chỉ có thể được sử dụng ở hiện tại và không thể được sử dụng trong tương lai hay các kế hoạch dài hạn. Nó là một mô hình tĩnh, nó có thể cung cấp bức tranh toàn cảnh nhưng chỉ đúng ở một thời điểm nhất định vì thị trường luôn thay đổi mỗi ngày, ví dụ như ngành công nghệ…

  • Bỏ qua môi trường nội bộ

5 Forces tập trung vào những yếu tố bên ngoài doanh nghiệp mà không đánh giá các yếu tố nội bộ doanh nghiệp. Vì vậy, các doanh nghiệp nên kết hợp mô hình 5 Forces với những mô hình khác như SWOT hay PESTEL để có những góc nhìn đa chiều về doanh nghiệp.

Hạn chế của mô hình 5 Forces
Hạn chế của mô hình 5 Forces

Những câu hỏi thường gặp về công cụ 5 Forces

5 Forces của Porter được sử dụng để làm gì?

5 Forces của Porter là một công cụ khung phân tích cạnh tranh, được sử dụng để đánh giá và xác định bối cảnh cạnh tranh của bất kỳ ngành nào.

Tại sao mô hình 5 Forces quan trọng trong quyết định chiến lược kinh doanh?

Mô hình 5 Forces giúp xác định sức mạnh và yếu tố cạnh tranh trong ngành, từ đó giúp doanh nghiệp đưa ra quyết định chuẩn xác về giá cả, sản phẩm và phân phối để tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh.

Người sử dụng mô hình 5 Forces là ai?

Mô hình 5 Forces được sử dụng bởi các nhà quản lý doanh nghiệp và nhà nghiên cứu chiến lược để phân tích đối thủ và định hình chiến lược cạnh tranh.

Lời kết

Bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ mô hình 5 Forces là gì? những yếu tố cấu thành và đặc điểm của nó. Hy vọng Digital Marketing Agency DMA đã mang đến cho bạn những thông tin hữu ích và hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết sau.

Đánh giá post
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
Liên hệ