Nhiều doanh nghiệp ứng dụng mô hình AIDA trong chiến lược Marketing. Cùng tìm hiểu phễu marketing AIDA là gì và cách ứng dụng AIDA trong content marketing nhé!
Bài viết này sẽ trình bày mô hình AIDA, sơ lược về mô hình phân cấp hiệu ứng và phễu Marketing, lịch sử phát triển, 4 yếu tố, cách ứng dụng, mô hình AIDA mở rộng, hạn chế và ví dụ mô hình AIDA áp dụng như thế nào.
Tìm hiểu thêm các mô hình khác:
1. Mô hình AIDA là gì?
Mô hình AIDA là một khung tư duy được sử dụng trong lĩnh vực tiếp thị và quảng cáo để giúp hiểu và thực hiện quá trình tiếp cận khách hàng.
AIDA là viết tắt của bốn từ tiếng Anh: Attention (sự chú ý), Interest (sự quan tâm), Desire (sự mong muốn) và Action (hành động). Mô hình này cho thấy các bước cần thiết để khách hàng từng bước tiến tới việc mua sản phẩm hoặc sử dụng dịch vụ.
Đây là 4 yếu tố góp phần hình thành quá trình chuyển đổi tâm lý khách hàng trong quá trình mua hàng của họ.
Trong bốn giai đoạn này, lý tưởng nhất là nội dung của bạn sẽ thu hút sự chú ý đến thương hiệu của bạn, tạo ra sự quan tâm đến sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn, kích thích sự ham muốn và thúc đẩy hành động dùng thử hoặc mua sản phẩm đó.
Với sự trợ giúp của mô hình, các thương hiệu có thể tạo ra các chiến thuật phù hợp để truyền tải thông điệp tiếp thị đến đối tượng mục tiêu.
Mô hình truyền thông AIDA cho thấy hiệu quả cao khi sử dụng các kỹ thuật tâm lý liên quan đến các thành phần nhận thức, tình cảm và hành vi.
Mô hình AIDA marketing được coi là mô hình phân cấp hiệu ứng, có nghĩa là người tiêu dùng phải chuyển qua từng giai đoạn của mô hình để hoàn thành hành động mong muốn.
Cấu trúc của mô hình tương tự như phễu Marketing (the marketing funnel), nơi khách hàng thực hiện các hành động mong muốn trong một giai đoạn nhất định. Ngoài ra, ở mỗi giai đoạn còn lại ít khách hàng tiềm năng hơn so với giai đoạn trước.
2. Sơ lược về mô hình phân cấp hiệu ứng và phễu Marketing
2.1 Mô hình phân cấp hiệu ứng (Hierachy of Effects model)
Hệ thống phân cấp hiệu ứng (Hierachy of Effects) là một lý thuyết thảo luận về tác động của quảng cáo đối với việc khách hàng ra quyết định mua một số sản phẩm và thương hiệu.
Lý thuyết bao gồm một loạt các giai đoạn mà các nhà quảng cáo nên tuân theo, từ nhận thức của khách hàng đến hành vi mua hàng cuối cùng.
Hệ thống phân cấp của các hiệu ứng dựa trên tâm lý học hành vi. Mô hình phân cấp hiệu ứng bao gồm ba giai đoạn lớn: Giai đoạn nhận thức, giai đoạn tình cảm và giai đoạn hành vi.
- Giai đoạn nhận thức: Awareness (nhận thức), Knowledge (tri thức)
- Giai đoạn tình cảm: Liking (thích), Preference (ưu tiên)
- Giai đoạn hành vi: Conviction (niềm tin), Purchase (mua hàng)
2.2 Phễu Marketing (Marketing Funnel)
Phễu Marketing là một mô hình cho thấy cách khách hàng tiềm năng đi từ nhận thức về thương hiệu của bạn đến việc mua hàng hóa hoặc dịch vụ. Mô hình này liên quan đến một số giai đoạn tương tác của khách hàng với thương hiệu.
Các công ty sử dụng phễu Marketing để hiểu nhu cầu của khách hàng trong từng giai đoạn, tối ưu hóa nỗ lực tiếp thị và tạo ra nhiều doanh số hơn.
Phễu Marketing hiện nay bao gồm 5 giai đoạn: Awareness (nhận thức), Interest (quan tâm), Consideration (xem xét), Intent (ý định), Evaluation (sự đánh giá) và Purchase (mua hàng).
2.3 Lịch sử phát triển mô hình AIDA
Phiên bản đầu tiên của mô hình AIDA xuất hiện vào năm 1898 khi Elias St. Elmo Lewis, nhà tiên phong về quảng cáo và bán hàng người Mỹ, mô tả công thức của quảng cáo thành công.
Ông đã ẩn danh để đề cập đến ba nguyên tắc quảng cáo mà ông thấy hữu ích trong suốt sự nghiệp làm việc trong The Inland Printer, một trong những tạp chí nổi tiếng nhất thế kỷ XIX.
Elias St. Elmo Lewis đã nói rằng:
“Nhiệm vụ của một quảng cáo là thu hút người đọc, để họ nhìn vào quảng cáo và bắt đầu đọc nó; sau đó để họ quan tâm, để họ sẽ tiếp tục đọc nó; Sau đó để thuyết phục họ, để khi họ đã đọc nó, họ sẽ tin vào điều đó. Nếu một quảng cáo có ba phẩm chất thành công này thì đó là một quảng cáo thành công. ”
(“The mission of an advertisement is to attract a reader, so that he will look at the advertisement and start to read it; then to interest him, so that he will continue to read it; then to convince him, so that when he has read it he will believe it. If an advertisement contains these three qualities of success, it is a successful advertisement.”)
Hơn một thế kỷ sau, các nguyên tắc của Lewis vẫn đúng. Chúng được thể hiện dưới dạng từ viết tắt, AIDA và được sử dụng rộng rãi trong ngành quảng cáo.
3. Mô hình AIDA đóng vai trò gì trong Marketing?
Mô hình AIDA trong marketing có vai trò quan trọng trong việc thu hút và thuyết phục khách hàng. Mô hình này mô tả quá trình tiếp cận khách hàng từ khi họ chưa có sự quan tâm đến sản phẩm hoặc dịch vụ cho đến khi họ thực hiện hành động mua hàng.
Vai trò của mô hình AIDA là tạo ra một chiến dịch tiếp thị hiệu quả và đạt được mục tiêu kinh doanh. Theo mô hình này, quảng cáo hoặc thông điệp tiếp thị cần tạo ra sự chú ý ban đầu từ khách hàng thông qua các yếu tố hấp dẫn như:
- Tiêu đề thu hút.
- Hình ảnh nổi bật.
- Câu chuyện hấp dẫn.
Khi đã thu hút sự chú ý, thông điệp cần gây ra sự quan tâm và khao khát cho sản phẩm hoặc dịch vụ bằng cách cung cấp thông tin chi tiết, lợi ích và giá trị mà nó mang lại.
Cuối cùng, thông điệp cần thúc đẩy khách hàng thực hiện hành động, chẳng hạn như mua hàng, đăng ký dịch vụ, hoặc liên hệ để biết thêm thông tin.
Tóm lại, mô hình AIDA trong marketing giúp xác định và xây dựng quá trình tiếp thị hấp dẫn và hiệu quả. Từ việc thu hút sự chú ý của khách hàng cho đến khi họ thực hiện hành động mua hàng.
4. Yếu tố trong mô hình AIDA
Mô hình bán hàng aida hay mô hình thông tin AIDA là một mô hình được cấu thành từ 4 yếu tố chính như sau:
4.1 A – Attention (sự chú ý)
Attention (sự chú ý) là bước đầu tiên của mô hình thông tin AIDA. Giai đoạn này sẽ chú trọng vào việc tạo ra nhận thức về thương hiệu.
Bạn phải thực hiện nghiên cứu đối tượng và tạo ra sự chú ý về sản phẩm và dịch vụ trong số các đối tượng mục tiêu.
Để hiểu rõ khách hàng mục tiêu hay khách hàng tiềm năng của doanh nghiệp thì những marketer cần nắm rõ tính ứng dụng của tháp nhu cầu Maslow trong marketing.
Ở bước đầu tiên của hành trình khách hàng AIDA, người tiêu dùng sẽ đặt câu hỏi: “Nó là gì?”
Trong giai đoạn này, trước tiên bạn cần tiếp cận người đọc bằng nội dung của mình. Điều này sẽ giúp truyền thông điệp và xây dựng nhận thức về thương hiệu một cách hiệu quả.
Trong bất kỳ hoạt động tiếp thị hoặc quảng cáo nào, việc thu hút khách hàng tiềm năng đến với doanh nghiệp hoặc thương hiệu là bước đầu tiên và quan trọng nhất.
4.2 I – Interest (sự quan tâm)
Khi khách hàng đã biết đến thương hiệu, sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn, đã đến lúc khơi dậy sự quan tâm của họ. Ở giai đoạn này, bạn cần phải cho thấy được lợi ích và đặc điểm độc đáo của sản phẩm và tạo được sự tin tưởng của khách hàng.
Mục đích chính của bước này là thu hút khách truy cập bằng nội dung của bạn và truyền tải thông điệp tiếp thị một cách phù hợp với nhu cầu của đối tượng mục tiêu.
Trong giai đoạn này, mục tiêu là khiến họ nghĩ: “Tôi thích nó.”
Để đến được giai đoạn này, nội dung của bạn phải thuyết phục và hấp dẫn. Trong khi giai đoạn đầu tiên của AIDA đang thu hút sự chú ý của họ, giai đoạn này là để giữ vững nó.
4.3 D – Desire (sự mong muốn)
Giai đoạn tiếp theo của mô hình AIDA là biến sự quan tâm của khách hàng thành mong muốn. Ở phễu Marketing, mong muốn là giai đoạn mà bạn làm cho khách truy cập suy nghĩ từ “tôi thích nó” thành “tôi muốn nó”.
Trong hầu hết các trường hợp, người tiêu dùng đi đến giai đoạn này khi họ so sánh các sản phẩm hoặc dịch vụ từ các thương hiệu khác nhau.
Vì vậy, mục tiêu trong giai đoạn này là bạn phải giới thiệu và giải thích những đặc điểm, tính năng, lợi ích độc đáo của sản phẩm và dịch vụ của mình cho người đọc.
Bạn cần cho thấy người dùng sẽ được lợi như thế nào từ sản phẩm và dịch vụ của bạn.
4.4 A – Action (Hành động)
Có thể bạn đã thu hút được sự chú ý của khách hàng mục tiêu và khiến họ quan tâm và mong muốn sở hữu sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp bạn.
Nhưng tất cả nổ lực bên trên sẽ là “con số 0” nếu khách hàng cuối cùng không hành động.
Vì thế, sau khi thành công như mong muốn, công đoạn tiếp theo là doanh nghiệp của bạn phải khiến đối tượng phải hành động ngay lập tức.
Nếu bạn sở hữu một trang web thương mại điện tử, kế tiếp giai đoạn mong muốn là khiến khách truy cập mua sản phẩm của bạn online. (Họ phải nhấp vào nút mua mà không cần cuộn đến các sản phẩm khác).
Điều này có thể đạt được thông qua các quảng cáo bằng cách đưa ra các ưu đãi trong thời gian giới hạn, v.v.
CTA (Call To Action) – Kêu gọi hành động và đặt chúng vào đúng nơi sẽ tăng chuyển đổi.
CTA có thể được sử dụng trong các kênh tiếp thị khác nhau, chẳng hạn như:
- Tờ rơi: CTA có thể là “Hãy ghé thăm cửa hàng”
- Email: CTA có thể là “Truy cập trang web để biết thêm chi tiết”
- Landing Page (Trang đích): CTA có thể là “Đặt hàng ngay”
5. Ứng dụng của mô hình AIDA
Tuy lý thuyết AIDA là vậy nhưng sự khác biệt thật sự chính là ở việc mỗi doanh nghiệp hiểu và áp dụng mô hình AIDA như thế nào trong Marketing.
5.1 Giai đoạn Attention (sự chú ý)
Mục tiêu chính: Tạo được sự chú ý với khách hàng và tăng nhận diện thương hiệu.
Các kênh được sử dụng: Trong giai đoạn thu hút sự chú ý, các kênh Marketing Online được sử dụng có đặc điểm dễ tiếp cận được với một lượng lớn khách hàng.
Các kênh được sử dụng phổ biến bao gồm:
SEO (Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm)
Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO) là một công cụ, phương thức cực kì phổ biến hiện nay. Một khi website được tối ưu lên top tìm kiếm thì bạn không chỉ có thể tiếp cận được với một lượng lớn khách hàng.
Bên cạnh đó, những khách hàng này là khách hàng “chất lượng” bởi lẽ kết quả tìm kiếm mà họ nhận được là kết quả mong đợi “khớp” gới ý định tìm kiếm, từ khóa và vấn đề của họ.
Quảng cáo Google và quảng cáo trên mạng xã hội
Việc quảng cáo Google và quảng cáo trên mạng xã hội sẽ cho phép bạn tiếp cận với một lượng lớn người dùng trong thời gian ngắn. Đương nhiên điều này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu gây chú ý ở giai đoạn đầu mô hình AIDA.
PR Online
Bạn cũng có thể tiếp cận với kha khá khách hàng thông qua việc xuất hiện trên nhiều trang báo phù hợp. Khi bạn xây dựng chiến lược PR tốt cũng sẽ hỗ trợ cho SEO rất tốt trong việc đi backlink.
Content Marketing
Nội dung là yếu tố quan trọng được sử dụng đa kênh. Bởi vì nếu trang web đã lên top nhưng tiêu đề không lôi cuốn, hấp dẫn thì cho dù nội dung bạn viết có hay đến đâu cũng không nhận được lượt click nào.
Content Marketing (tiếp thị nội dung) là cách tốt nhất để thu hút sự chú ý của khách hàng. Tập trung vào việc tạo ra nội dung thông tin để giải quyết vấn đề và mối quan tâm của khách hàng, và cung cấp giải pháp cho họ.
Ngoài ra, cách lên chiến lược nội dung phù hợp cho từng kênh là rất quan trọng. Vì thế mà mô hình AIDA trong content đã và đang được áp dụng rộng rãi không kém mô hình AIDA trong quảng cáo và mô hình AIDA trong Marketing.
Một nội dung muốn gây sự chú ý cần chứa đựng ngôn từ mạnh mẽ, các yếu tố giúp nhấn mạnh và gây sự tò mò như câu tiêu đề “giật tít” chẳng hạn.
Đồng thời cần ưu tiên sử dụng những nội dung mang tính trực quan (nội dung qua hình ảnh, video, infographic,…) để vừa có được sự thu hút cao và vừa bắt kịp xu hướng.
5.2 Giai đoạn Interest (sự thích thú)
Mục tiêu chính: Tạo sự quan tâm, thích thú đối với khách hàng. Mấu chốt là tạo sự kết nối giữa khách hàng với doanh nghiệp nhằm giữ chân khách hàng.
Các kênh được sử dụng: Trong giai đoạn tạo sự thích thú của mô hình AIDA thì việc cung cấp cho khách hàng những thông tin phù hợp và hữu ích là những gì mà doanh nghiệp của bạn cần thực hiện.
Sau đây là những kênh được sử dụng trong giai đoạn này:
Website
Đầu tư và phát triển website với các nội dung có giá trị cho khách hàng là rất quan trọng. Đặc biệt là khi bạn cần giữ chân khách hàng ở giai đoạn này.
Trang web là nơi mà bạn có thể tạo sự kết nối với khách hàng. Phát triển website với các nội dung hữu ích và có giá trị cho khách hàng là vô cùng quan trọng.
Tuy nhiên, nếu bạn đã tạo được sự ấn tượng và trong khi đó bạn không cập nhật nội dung mới trên trang web thì khách hàng vẫn sẽ rời đi.
Quảng cáo Google và quảng cáo mạng xã hội
Việc quảng cáo Google và quảng cáo Mạng xã hội vẫn hiệu quả trong việc duy trì sự thích thú cho khách hàng dù đã chuyển sang giai đoạn mới của mô hình AIDA.
Bằng cách liên tục duy trì quảng cáo với khách hàng bằng những nội dung có giá trị thì khách hàng vẫn nhận được những nội dung hữu ích đó từ doanh nghiệp của bạn.
Email Marketing
Email marketing là hình thức sử dụng email (thư điện tử) mang nội dung thông tin về bán hàng, tiếp thị, giới thiệu sản phẩm đến nhóm khách hàng tiềm năng mà doanh nghiệp hướng đến.
Không dừng lại ở việc tương tác và giữ chân khách hàng cũ, Email marketing còn là một công cụ quảng cáo hiệu quả sản phẩm, dịch vụ, chương trình khuyến mãi đến đối tượng khách hàng tiềm năng.
Content Marketing
Vai trò của content vẫn rất quan trọng trong giai đoạn này. Nội dung khiến khách hàng thích thú thường sẽ là những nội dung mà đáp ứng được các vấn đề của khách hàng hoặc các câu hỏi thắc mắc của họ.
Mô hình AIDA trong content ở giai đoạn này sẽ vô cùng phù hợp nếu xoay quanh chủ đề hướng dẫn, giải đáp thắc mắc, vấn đề, xử lý các lỗi,…
Lúc này sẽ không còn những câu tiêu đề “giật tít” để thu hút sự chú ý nữa mà sẽ là những thông tin thực sự hữu ích và giá trị cao.
5.3 Giai đoạn Desire (mong muốn)
Mục tiêu chính: Cần nêu bật lên các giá trị mà doanh nghiệp cung cấp cho khách hàng. Khách hàng sẽ biết được rằng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp bạn chính là cái họ mong muốn để giải quyết vấn đề, nhu cầu của họ.
Các kênh được sử dụng: Ở giai đoạn Desire (khơi gợi sự mong muốn) của mô hình AIDA, bạn cần tận dụng tối đa sức mạnh của content để thể hiện được thế mạnh và lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp mình.
Sau đây là một số kênh được sử dụng:
Website
Nếu như ở giai đoạn Interest (tạo sự thích thú), bạn đã mang đến các nội dung thông tin giá trị ở mục Blog của website bạn, thì đến giai đoạn này bạn cần đẩy mạnh hơn các trang bán hàng.
Bên cạnh đó, bạn cần dẫn dắt khách hàng từ các nội dung hữu ích, giá trị sang nội dung bán hàng.
Email Marketing
Với việc tiếp cận khách hàng tiềm năng thông qua phương pháp email marketing ở giai đoạn trước thì ở giai đoạn này bạn có thể kết hợp với các nội dung bán hàng theo tần suất nhất định để tiếp cận khách hàng của mình hơn.
Social Media
Bạn hãy tận dụng mạng xã hội triệt để bởi vì ảnh hưởng của mạng xã hội ngày nay là rất lớn. Cơ hội phát triển thông qua mạng xã hội hiện tại là không phải bàn cãi.
Việc bạn cung cấp nội dung thông qua mạng xã hội sẽ thu về cho bạn một lượng tương tác nhất định.
Content Marketing
Giai đoạn này đã tiệm cận với giai đoạn cuối cùng của mô hình AIDA. Vì vậy, nội dung ở giai đoạn này cần có sự khơi gợi mong muốn, hướng đến nhu cầu của khách hàng nhiều hơn.
Để đáp ứng được nhiều nhu cầu khác nhau, bạn cần đa dạng hóa các thông điệp, nắm bắt vấn đề của khách hàng và tạo nội dung bắt trúng vấn đề đó. Sau đó, bạn có thể dễ dàng đưa khách hàng đến giai đoạn cuối cùng.
5.4 Giai đoạn Action (hành động)
Mục tiêu chính: Chuyển đổi của khách hàng thông qua các kênh Marketing Online.
Các kênh được sử dụng:
Website
Với website, bạn cần bố trí những lời kêu gọi hành động (CTA) ở những vị trí hợp lý, thuận tiện nhất cho khách hàng nhằm tối đa khả năng tạo chuyển đổi.
Đồng thời, trang web cần cập nhật những nội dung ưu đãi hoặc khuyến mãi để thúc đẩy hành động nhanh hơn (nếu có).
Email Marketing
Thực tế cho thấy lợi ích dài hạn mà email marketing mang lại là rất lớn. Việc chăm sóc cho email marketing và đặt các lời kêu gọi hành động một cách khéo léo thì đây là một phương thức rất tốt để mang lại nhiều đơn hàng.
Content Marketing
Ở giai đoạn Action (hành động) này, CTA là nội dung quan trọng nhất. Vì vậy, bạn cần sử dụng văn phong, câu từ mạnh mẽ và có tính thuyết phục cao để khách hàng hành động ngay.
6. Mô hình AIDA mở rộng
Như đã đề cập trước đó trong mô hình AIDA đã được cải tiến và mở rộng trong suốt hơn 100 năm qua với nhiều biến thể khác, trong đó bao gồm vai trò của digital media và hành vi sau mua hàng.
Một số biến thể đó là:
- Mô hình AIDA cơ bản: Attention/Awareness (chú ý/ nhận thức), Interest (thích thú), Desire (mong muốn), Action (hành động).
- Mô hình phân cấp hiệu ứng của Lavidge và cộng sự: Awareness (nhận thức), Knowledge (kiến thức), Liking (yêu thích), Preference (ưu tiên), Conviction (niềm tin), Purchase (mua hàng).
- Mô hình của McGuire: Presentation (Trình bày), Attention (Chú ý), Comprehension (Hiểu), Yielding, Retention (Duy trì), Behavior (Hành vi).
- Mô hình AIDA đã sửa đổi: Awareness (Nhận thức), Interest (Quan tâm), Conviction (Niềm tin), Desire (Mong muốn), Action (mua hàng hoặc tiêu thụ).
- Mô hình AIDAS: Attention (Chú ý), Interest (Quan tâm), Desire (Mong muốn), Action (Hành động), Satisfaction (Sự hài lòng).
- Mô hình AISDALSLove: Awareness (Nhận thức), Interest (Quan tâm), Search (Nghiên cứu), Desire (Mong muốn), Action (Hành động), Like/dislike (Thích/Không thích), Share (Chia sẻ), Love/Hate (Yêu thích/ Ghét).
Các biến thể trên góp phần tạo ra nhiều phễu bán hàng khác nhau, tuy nhiên, trình tự cơ bản vẫn là:
Ngoài ra các bạn cũng có thể kham khảo mô hình AIDA và AISAS để có thể hình dung thêm rõ về hành vi của khách hàng nhé!
7. Hạn chế của mô hình AIDA
7.1 Không tính đến hành trình của người mua phi tuyến tính
Mô hình AIDA đã làm rất tốt trong việc mô tả một quy trình suy nghĩ tuyến tính cho một quyết định mua hàng. Tuy nhiên, không phải tất cả các quyết định mua hàng đều tuyến tính (đi theo một thứ tự nhất định).
Chẳng hạn như một khách hàng tiềm năng có thể tỏ ra rất quan tâm đến sản phẩm, dịch vụ của bạn nhưng cuối cùng họ lại chọn một giải pháp khác. Họ chỉ quay lại với bạn nếu như giải pháp kia không đáp ứng được nhu cầu của họ.
Có một ngoại lệ khác đó là khi khách hàng thích một sản phẩm và mua nó cho dù vẫn chưa tìm hiểu kỹ về nó. Đây là trường hợp mà khách hàng trải nghiệm qua giai đoạn mong muốn và hành động trước cả giai đoạn chú ý và quan tâm.
7.2 Không tính đến việc mua hàng khẩn cấp
Ngoài một hành trình phi tuyến tính, một khách hàng tiềm năng có thể đi qua nhiều giai đoạn của AIDA cùng một lúc – cả bốn giai đoạn cho một giao dịch mua khẩn cấp.
Ví dụ khi họ được bạn bè, người thân giới thiệu một sản phẩm nào đó thì hành vi của họ được biểu hiện dựa trên sự tin tưởng và đi đến quyết định mua hàng ngay lập tức.
Họ có thể không nhất thiết phải đi qua 4 giai đoạn hoặc họ có thể đi qua thật nhanh mà không theo quy trình định sẵn trong chiến lược của doanh nghiệp bạn.
7.3 Chỉ là một phần nhỏ của một chiến lược kinh doanh toàn diện
Mô hình AIDA chỉ tập trung vào những khách hàng mua hàng lần đầu tiên. Chiến lược tăng trưởng cần chú trọng mang lại các nguồn lợi nhuận chứ không phải tập trung kêu gọi thêm khách hàng mới.
Xét cho cùng, việc giữ chân khách hàng cũ và bán thêm cho họ sẽ dễ dàng hơn là có được một khách hàng mới.
Bên cạnh đó, việc khách hàng hài lòng với sản phẩm, dịch vụ của bạn sẽ mang lại những phản hồi chân thực, sau đó có thể tạo ra nhiều sự chú ý, quan tâm, từ đó có được khách hàng mới.
Bởi vì mô hình AIDA không thích ứng được với điều này nên một mô hình miêu tả hành trình khách hàng khác như Flywheel lại thích hợp hơn cho chiến lược kinh doanh toàn diện.
8. Ví dụ điển hình của việc áp dụng mô hình AIDA
8.1 COCA-COLA
Attention: Coca Cola đã thu hút sự chú ý của khán giả từ những tấm áp phích của họ. Các áp phích có màu đen và câu hỏi được viết bằng màu đỏ. Chiến dịch đó đã thu hút một lượng lớn người trước khi họ biết bất cứ điều gì về sản phẩm.
Interest: Sau khi thu hút sự chú ý của họ, điều quan trọng là làm cho họ cảm thấy hứng thú với sản phẩm và nhóm coca-cola đã làm rất tốt điều đó.
Trong chiến dịch đó, họ đã kết hợp từ “ZERO” và mọi người bắt đầu chú ý đến, tò mò, hứng thú với sản phẩm mới này.
Desire: Vì họ có thể phát triển mong muốn của mọi người về sản phẩm, họ cũng tập trung vào thực tế là loại nước uống mới này không chứa đường. Nó có vị giống như bất kỳ loại nước giải khát nào khác. Bằng cách này, họ đã kích thích khán giả dùng thử.
Action: Sản phẩm được đặt ở mọi nơi bạn có thể mua sắm hoặc đi chơi. Mọi người sẽ tìm thấy các mặt hàng nhãn hiệu Coca- Cola trong các cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện lợi, rạp chiếu phim và trong các máy bán hàng tự động,…
Khi Coca-Cola kết hợp số lượng lớn và sự sẵn có với giá thấp, thương hiệu đã thành công trong việc tạo ra hành động (Action), giúp Coca Cola duy trì vị trí là một trong những thương hiệu nước ngọt có ga hàng đầu trên thế giới.
8.2 APPLE
Giới thiệu Apple Watch
Attention: Apple đã đưa ra một quảng cáo và làm cho thương hiệu hiện diện, đồng thời tạo ra sự tò mò của mọi người. Quảng cáo không chia sẻ bất kỳ tính năng sản phẩm nào và họ chỉ sử dụng khẩu hiệu “the watch is coming” (đồng hồ sắp ra mắt).
Interest: Sự quan tâm đến chiếc đồng hồ quả táo được tạo ra khi Tim Cook giới thiệu chiếc đồng hồ quả táo với iPhone 6. Các tính năng cũng như dây đeo và kiểu dáng cơ thể khác nhau của chúng đã được giải thích cho khách hàng.
Desire: Mong muốn mua sản phẩm đi kèm với trọng tâm là quảng cáo đồng hồ chuyển sang hướng tập thể dục. Cùng với các tính năng thể dục mà nó cung cấp, đồng hồ cũng có các tính năng mà khách hàng có thể nói chuyện và nhắn tin thông qua nó.
Họ giải thích rằng đồng hồ sẽ mang lại lợi ích như thế nào cho họ trong việc theo dõi sức khỏe và đồng thời có nhiều chức năng.
Action: Phần Hành động là nơi mà hình ảnh thương hiệu của Apple xuất hiện vì thương hiệu này rất thường sử dụng phương pháp “đặt hàng trước” sau khi ra mắt sản phẩm để đảm bảo tăng doanh số bán hàng.
Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có thể thực hiện theo cách tiếp thị AIDA tương tự này. Khái niệm “đặt trước” sẽ thúc đẩy doanh số bán hàng của bạn sau khi ra mắt sản phẩm.
8.3 ADIDAS
Là một trong những thương hiệu nổi tiếng và lâu đời không có nghĩa là họ không theo mô hình AIDA. Theo những cách sáng tạo, Adidas cũng sử dụng mô hình này trong các chiến lược tiếp thị và quảng cáo của mình.
Attention: Để tạo ra nhận thức về sản phẩm mới của mình, họ hợp tác với những người nổi tiếng, đặc biệt là với các vận động viên xếp hạng cao nhất.
Lượng người hâm mộ theo dõi các vận động viên này kết hợp với thương hiệu Adidas đủ để tạo ra tiếng vang xung quanh sản phẩm mới và hướng họ đến trang web của họ.
Interest: Để tạo sự quan tâm, trang web có những từ, cụm từ có tính tò mò không kém. Các cụm từ đơn giản như “see possibilities” (xem khả năng) để kiểm tra các sản phẩm mới có hoạt động tốt không vì nó kết nối khán giả với thương hiệu sâu sắc hơn.
Thương hiệu cũng sử dụng các tiêu đề như “save up to 50%” (tiết kiệm đến 50%) và “new” (mới) để thu hút sự quan tâm của khách hàng.
Desire: Những nhân vật nổi tiếng và những bức ảnh hậu trường của sự kiện ra mắt là một số điều khiến không ít người tò mò. Tính độc quyền mà thương hiệu thể hiện là những gì khách hàng mong muốn.
Action: Việc bán hàng sau đó trở nên đơn giản hơn đối với Adidas vì chất lượng và tính năng vượt trội của sản phẩm kết hợp với việc quảng bá ý tưởng “to be like your idols, Adidas is the right choice” (“giống thần tượng của bạn, Adidas là sự lựa chọn đúng đắn”).
9. Những câu hỏi thường gặp về mô hình AIDA
9.1 Mô hình AIDA áp dụng cho các phương tiện truyền thông nào?
Mô hình AIDA có thể áp dụng cho nhiều phương tiện truyền thông như quảng cáo truyền thông, truyền hình, trực tuyến, báo chí, mạng xã hội và email marketing.
9.2 Làm thế nào để áp dụng mô hình AIDA vào chiến dịch tiếp thị của tôi?
Để áp dụng mô hình AIDA, bạn cần tạo ra một thông điệp gây chú ý, tạo quan tâm và mong muốn, sau đó thúc đẩy khách hàng hành động thông qua các lời kêu gọi hành động rõ ràng và hấp dẫn.
9.3 Mô hình AIDA có bất kỳ hạn chế nào không?
Mô hình AIDA có thể đơn giản hóa quá trình tiếp thị và không đảm bảo thành công tuyệt đối. Ngoài ra, mô hình này có thể cần điều chỉnh và tùy chỉnh phù hợp với từng ngành và mục tiêu cụ thể.
9.4 Mô hình AIDA có hiệu quả trong việc tiếp thị online không?
Có, mô hình AIDA có thể áp dụng trong tiếp thị online. Bằng cách sử dụng các yếu tố hấp dẫn, nội dung chất lượng và lời kêu gọi hành động rõ ràng, bạn có thể tạo ra hiệu quả tiếp thị và tăng cường tương tác của khách hàng trên môi trường trực tuyến.
Hy vọng bài viết trên, Digital Marketing Agency DMA giúp bạn hiểu rõ hơn về mô hình AIDA là gì và cách áp dụng mô hình hiệu quả. Chúc bạn thành công trong việc thiết lập chiến lược Marketing và viết content theo mô hình AIDA của mình nhé! Nếu thấy bài viết hay, hãy chia sẻ bài viết này đến cho các bạn maketers cùng biết nhé!